DECO CHIFFON – Phần 1: Giới thiệu về Deco Chiffon

Trước khi bắt đầu bài viết, mình có “đôi lời muốn nói”. Deco Chiffon là một dòng bánh đặc biệt với các công thức, cách làm do chị Susanne Ng sáng tạo nên. Tiếp tục đọc “DECO CHIFFON – Phần 1: Giới thiệu về Deco Chiffon”

Bánh mì sữa mềm Rilakkuma – RILAKKUMA soft dinner rolls

Cuối tuần, tính siêng năng trỗi dậy, quyết định làm bánh mì cho cả nhà ăn. Nhưng bánh mì sandwich, bánh mì hokkaido,… ăn hoài cũng ngán, thế là muốn đổi không khí một chút, bắt tay làm bánh mì tạo hình. Nói đến tạo hình trong bánh mì thì có một dòng bánh mì của Nhật mình cũng mê mẩn từ lâu, chigiripan. Chigiripan nhìn vô cùng đẹp, nhưng mỗi lần nghĩ đến làm là mình … “thở dài”, vì mỗi chiếc bánh mì nhỏ xinh phải bỏ rất nhiều tâm huyết và thời gian trong đó. Nếu các bạn yêu thích dòng bánh mì này, có thể “dừng chân” tại Instagram của chị Umi, “master” của dòng bánh mì tạo hình chigiripan Nhật Bản nhé 😊

Mở bài dài dòng vậy thôi chứ mình chưa tìm hiểu sâu về chigiripan. Bài viết hôm nay chỉ lấy cảm hứng từ chigiripan với tạo hình gấu Rilakkuma quen thuộc và cũng rất “ngẫu hứng”, mình làm buổi tối hôm trước để sáng có bánh ăn, nên cũng không chụp hình hay quay chi tiết. Dù vậy, công thức cũng đơn giản, chỉ là bánh mì sữa mềm (soft dinner roll) quen thuộc mà mình hay làm, thêm chút biến tấu trang trí để “mặc áo mới” cho bánh. Tay nghề “deco” còn kém lắm nên không đẹp hoàn hảo, nhưng cũng chia sẻ để mọi người cùng góp ý nhé ^^

Nguyên liệu

  • 400g bột làm bánh mì (mình sử dụng Baker’s choice số 13)
  • 265g sữa tươi
  • 40g đường
  • 5g muối
  • 8g men instant
  • 40g bơ
  • Màu thực phẩm: vàng, đỏ, nâu (mình dùng màu AmeriColor)
  • Trang trí: Socola trắng, Socola đen

Cách làm:

  1. Cho bột mì, men, đường, muối vào âu, trộn đều với nhau
  2. Cho sữa tươi vào trộn đều. Nhồi bột (mình nhồi bằng tay) khoảng 10 phút đến khi các nguyên liệu hòa quyện thống nhất
  3. Cho bơ vào, nhồi đến khi bột mịn, không dính tay, có thể kéo màng. Mình nhồi tay mất khoảng 10-15 phút
  4. Chia bột làm 4 phần bằng nhau. Một phần để trắng, 3 phần còn lại cho vài giọt màu vàng, đỏ, nâu vào, nhồi cho hòa quyện
  5. Đậy kín, ủ bột trong vòng 45-60 phút hoặc đến khi bột nở gấp đôi. Kiểm tra bột ủ đạt: cắm 2 ngón tay vào khối bột khoảng 1-2cm, vết lõm giữ nguyên là bột đã ủ đủ, vết lõm phồng trở lại thì cần phải ủ thêm
  6. Phết bơ hoặc chống dính thành khuôn
  7. Sau khi ủ bột, đấm nhẹ bột để ép không khí ra ngoài, nhồi sơ khoảng 1-2 phút. Mỗi khối bột sẽ nặng khoảng 180-190g
  8. Lần lượt từng khối bột màu, chia từng khối bột màu thành 4 phần, mỗi phần khoảng 40g tạo hình mặt gấu. Phần bột dư còn lại chia thành 8 phần, mỗi phần 2g tạo hình tai gấu.
  9. Vo tròn 16 phần bột (mặt gấu) xếp vào khuôn.
  10. Vo tròn tai gấu. Để gắn tai gấu, dùng cọ nhỏ (hoặc tăm bông) chấm một ít nước lên vị trí tai, gắn tai gấu và giữ nguyên khoảng 5-10 giây để bột kết dính
  11. Ủ lần hai 20-30 phút.
  12. Đậy kín khuôn bằng giấy bạc và đem nướng ở 1700C trong 30-40 phút, 2 lửa
  13. Bánh chín, giữ nguyên giấy bạc đậy kín 20-30 phút, không mở giấy bạc ngay lập tức vì chênh lệch nhiệt độ sẽ khiến mặt bánh nhăn nheo
  14. Lấy bánh khỏi khuôn và trang trí mắt, miệng bằng socola trắng và đen đun chảy

Một số lưu ý:

  • Luôn dùng khăn hoặc màng bọc “che phủ” bột để tránh bột bị khô trong lúc vo bột hay tạo hình.
    Ví dụ: mình làm theo thứ tự trắng, vàng, đỏ, nâu, thì trong lúc làm phần bột trắng, mình dùng màng bọc lớn che phủ 3 phần bột kia; làm xong bột trắng chuyển sang làm bột vàng, lại che phủ bột trắng và đỏ, nâu. Nghe có vẻ phức tạp, nhưng khi làm chỉ cần để phần bột theo một thứ tự nhất định là rất dễ thao tác
  • Ở bước 11, sỡ dĩ thời gian ủ ngắn hơn các công thức bánh mì khác: một là, vì thời gian làm bước 9 và 10 cũng khá lâu nên trong thời gian này, bột cũng đã nở thêm một chút; hai là do bánh trong quá trình nướng sẽ tiếp tục nở, nếu ủ lần 2 quá lâu sẽ dẫn đến bánh bị “nở quá đà”, thành phẩm không đẹp lắm
  • Luôn làm nóng lò 10-15 phút trước khi nướng.
  • Men thích đường nhưng kị muối. Vì vậy, có thể cho đường cùng lúc với cho men, nhưng muối với men nhất định phải cho vào 2 bước khác nhau.
  • Khi nhồi bột có thể dùng thêm bột áo nhưng nên dùng ít bột, vì nhiều bột quá sẽ làm bánh bị khô
  • Bánh giữ kín và bảo quản điều kiện thoáng mát trong 3 ngày. Khi dùng, nếu bánh bơi khô, có thể vi sóng công suất thấp vài giây, bánh sẽ mềm trở lại (thói quen mình thường “hâm” bánh ở chế độ rã đông khoảng 40 giây là bánh đã mềm và ấm nóng lại ^^)
  • Về màu thực phẩm: nhiều người khi nghe nói đến “màu thực phẩm” thường “kị” vì không an toàn, nhưng mình nghĩ không an toàn chỉ khi mình sử dụng các hàng không xuất xứ, nguồn gốc và sử dụng thường xuyên. Màu của Ameri và Wilton khá tốt và được đánh giá cao, mình thấy ở nước ngoài thường sử dụng trong các món/bánh tạo hình mà không vấn đề gì. Tùy điều kiện, bạn có thể sử dụng màu/bột màu tự nhiên nếu có
  • Socola đun chảy có thể thực hiện bằng cách cho một ít nước vào socola, đun cách thủy hoặc vi sóng để có hỗn hợp hơi sệt, sau đó cho vào túi bắt bông kem nhỏ để trang trí

    This slideshow requires JavaScript.

Bánh CHIFFON “vương miện” mềm mịn (Khuôn tròn, Phương pháp bột nóng) (Update thành phẩm của các bạn đã thành công ^^)

 

Chào mọi người, dạo này thử nghiệm vài công thức bánh “vừa lạ vừa quen”, nên chưa có thời gian viết bài mới. Hôm nay mình muốn chia sẻ với mọi người 1 dòng bánh quen thuộc là Chiffon, nhưng không phải Chiffon khuôn lõi giữa truyền thống, mà là Chiffon khuôn tròn với Phương pháp bột nóng. Thông qua công thức này, mình cũng muốn chia sẻ thêm những kiến thức mình tìm hiểu được trong quá trình làm, chứ không chỉ đơn thuần là “nhìn công thức và làm theo”. Vì mình nghĩ khi hiểu rõ cách làm thì sau mỗi lần thất bại, mình sẽ dễ rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho các lần sau hơn. Vì các kiến thức do mình tìm đọc qua nhiều tài liệu, nên nếu bài viết của mình có gì thiếu sót và  chỗ nào chưa đúng, mọi người có thể góp ý để giúp mình hoàn thiện hơn nhé.

Về bột nóng, thật ra đã có rất nhiều công thức về phương pháp này. Gần đây nổi bật nhất chính là Bánh bông lan phô mai Đài Loan, khi tìm xem bánh này mình cũng thấy một vài công thức có sử dụng bột nóng. Vậy …

1. Bột nóng là gì?

Từ “bột nóng” dịch từ “Tang mian”, trong tiếng Anh nghĩa là scalded flour (hoặc hot flour). Nhiều công thức ghi sử dụng phương pháp “cooked dough” hay “roux”, cũng chính là tang mian. Phương pháp này được sử dụng khá phổ biến ở các nước phương Đông trong các dòng bánh “foam cake” (bánh nở nhờ bọt khí). Khi mình dạo quanh các blog của các blogger người châu Á thì thấy họ rất hay dùng phương pháp này.

Tang mian được thực hiện ở bước đầu tiên trong các công đoạn làm bánh, bằng cách cho bột vào chất béo (dầu hoặc bơ) đã được làm nóng trước. Thành phẩm bánh khi sử dụng phương pháp này có kết cấu xốp nhẹ như chiffon truyền thống, thậm chí có phần mềm mịn hơn cả chiffon. Với cảm nhận của riêng mình, có thể nói dù không tan trong miệng, nhưng bánh mềm như kiểu bánh bông lan Nhật Bản vậy.

2. Vì sao sử dụng phương pháp “bột nóng” cho kết quả bánh mềm mịn?

Trước hết, có một khái niệm cần biết là Gluten. Trong bột mì có chứa protein. Khi hòa tan vào nước, các protein này hình thành khối kết dính gọi là gluten. Gluten có kết cấu thô, đặc tính dai, đàn hồi và giữ khí, có thể gọi nôm na như “miếng bọt biển” vậy.

Khi bột được nấu trong chất béo, bột sẽ bị một lớp chất béo bao phủ, do đó bột không thể hình thành gluten khi tiếp xúc với các chất lỏng khác, đồng nghĩa với việc không hình thành gluten, chính điều này làm cho bánh có kết cầu rất mềm mịn, lỗ khí cũng sẽ rất nhỏ.

3. Bánh nào nên sử dụng phương pháp bột nóng?

Như mình đã nói ở trên, các dòng bánh “foam cake” (bánh nở nhờ bọt khí) thường sử dụng phương pháp này. Vì bánh rất mềm và nhẹ, nên nếu chỉ dùng để ăn vã hoặc trang trí nhẹ (như đơn giản phủ lớp kem tươi bên ngoài) thì phương pháp này sẽ thích hợp. Còn nếu bạn cần cốt bánh để trang trí bánh kem thì nên dùng các cốt bánh sponge cake khác nhé.

—————————————–

Chia sẻ dài quá, giờ đến phần công thức. Mình cũng không biết nên gọi tên bánh này là gì, vì bánh sẽ có tạo hình thành từng “múi” trong khi nướng ^^. Mình học cách làm từ blenche623. Vì bánh có lượng chất lỏng khá nhiều so với bột, nên bạn nào chưa từng làm qua bánh bông lan hoặc chưa hiểu lò nhà mình thì đừng nên thử nghiệm nhé.

Nguyên liệu: (khuôn tròn đáy rời 20cm)

6 lòng đỏ trứng (60g/trứng)
100g bột số 8 (rây mịn)
40g dầu
110g sữa tươi không đường
½ mcf vani

6 lòng trắng trứng (60g/trứng)
90g đường xay
¼ mcf muối
½ mcf cream of tartar

Cách làm:

  1. Cho dầu vào âu, làm nóng dầu trên lửa nhỏ, không để sôi. Nếu có nhiệt kế, dầu nóng đến khoảng 700C là thích hợp. Nếu không có nhiệt kế, quan sát dầu quanh thành âu, khi thấy dầu có hiện tượng nổi vân quanh thành âu là được
  2. Khi dầu đã đủ nóng, cho bột đã rây vào, dùng phới lồng trộn đều. Lúc này bột sẽ có hiện tượng đóng thành từng cục nhỏ
  3. Tiếp tục cho sữa vào, khuấy đều. Bột sẽ trở nên đặc dẻo và mịn
  4. Lần lượt cho từng lòng đỏ trứng vào, trộn đều, hỗn hợp bột sẽ dần dần trở nên mềm mịn và chảy thành dòng như ruy băng. Thêm vani nếu thích
  5. Trong một âu khác, dùng máy đánh trứng đánh lòng trắng nổi bọt to. Sau đó cho tartar, muối đánh đến nổi bọt li ti. Từ từ cho đường vào đánh tới chóp hơi cứng (khi kéo lên thấy chóp hơi ngoặt xuống ở đỉnh)
  6. Chia lòng trắng đánh bông thành 3 phần, lần lần cho vào hỗn hợp lòng đỏ trộn theo phương pháp fold (hất từ dưới lên) đến khi hỗn hợp đồng nhất
  7. Chuẩn bị một khuôn tròn 20cm, đáy rời, không lót giấy nến hay trét dầu (bơ) ở đáy hay thành khuôn. Đổ bột trực tiếp vào khuôn, dàn phẳng mặt bột và dùng tăm nhỏ làm vỡ các bọt khí lớn ở mặt. Đem nướng ở 1600C (đã làm nóng lò trước) trong 10 phút, rãnh cuối. Trong thời gian nướng bánh, chuẩn bị sẵn một con dao mũi nhọn và một ít khăn giấy
  8. Sau 10 phút, nhanh tay lấy bánh ra khỏi lò, đóng kín lò và giữ lò tiếp tục nóng. Dùng dao và khăn giấy chuẩn bị sẵn, nhẹ nhàng cắt những đường kẻ trên mặt bánh. Vì mặt bánh đã chín một ít ở mặt nên khi cắt bạn sẽ cảm thấy dao cắt qua lớp đã chín ở bề mặt. Và vì lớp bột bên trong vẫn còn lỏng, nên nhớ đừng kéo dao và nhớ lau sạch dao sau mỗi lần cắt (bạn xem clip sẽ dễ hình dung hơn nhé). Bước này nên thực hiện nhanh, tốt nhất nên trong 1-2 phút
  9. Tiếp tục nướng bánh ở 1400C trong 60-65 phút
  10. Bánh khi đã chín, lấy ra khỏi lò, thả rơi 2,3 cái để hạn chế bánh xẹp. Sau đó lập tức úp ngược khoảng 1 giờ đến khi bánh nguội hoàn toàn
  11. Khi bánh đã nguội, lấy bánh ra khỏi khuôn. Bánh rất mềm, mịn và đàn hồi.

Một vài lưu ý

  1. Có thể dùng khuôn đáy liền được không?
    Câu trả lời là không. Khuôn làm bánh không dùng bất kì chất hay dụng cụ chống dính nào, nên chỉ nên dùng đáy rời. Nếu dùng khuôn đáy liền sẽ không thể lấy bánh ra, còn lót giấy chống dính bất kì khuôn nào, bánh sẽ bị lõm đáy vì không thể thoát khí.
  1. Nguyên liệu có thể thay thế:
  • 100g bột cake (số 8) có thể thay bằng 80 bột mì + 20g bột ngô
  • Dầu có thể thay bằng bơ. Nhưng nếu thay bằng bơ thì đo nhiệt độ bằng nhiệt kế hoặc “cảm giác” của bạn nhé
  • ½ mcf tartar có thể thay thế bằng 1 mcf chanh hoặc giấm
  • Đường xay có thể thay bằng đường kính
  1. Vì sao phải cho từng lòng đỏ mà không cùng một lúc?
    Do tính chất của “thời gian” và “nhũ hóa”. Theo tài liệu của cooksillustrated, khi cho lần lượt 2 trứng vào hỗn hợp bột, trung bình mất 30 giây cho mỗi lần hòa quyện, trong khi mất 2 phút nếu cho 2 trứng cùng một lúc để có hỗn hợp đồng nhất. Một nguyên nhân khác là trong dầu (bơ) và trứng đều chứa chất béo và nước, nhưng tỷ lệ khác nhau. Theo James Peterson, tác giả của Baking, khi thêm trứng (hay chất lỏng) nào vào hỗn hợp có chứa dầu (bơ), cho từ từ để trứng có thể nhũ hóa (hòa quyện đều) với chất béo trong hỗn hợp, nếu cho cùng một lúc, chúng sẽ không thể “làm việc” hòa hợp cùng nhau.
  1. Nhiệt độ nướng có thể điều chỉnh tùy theo mỗi lò. Nhưng trước khi lấy bánh ra để cắt mặt, bánh phải nướng ít nhất trong 8 phút hoặc hơn để có độ “vững” trước.
  2. Nếu cảm thấy bánh vàng mặt nhanh, chuẩn bị sẵn 1 giấy bạc có đục các lỗ nhỏ, khi bánh nướng 2/3 thời gian hay quá vàng thì nhanh tay mở lò phủ giấy bạc lên trên
  3. Công đoạn dùng dao cắt mặt bánh nếu không thích bạn có thể bỏ qua, không ảnh hưởng đến kết cấu bánh. Việc nướng nhiệt cao ban đầu giúp bánh nở cao, sau đó giảm nhiệt để bánh chín từ từ

Chia sẻ của mình hết rồi, chúc mọi người thành công nhé ^^

This slideshow requires JavaScript.

***Cập nhật thành phẩm của các bạn trên Phố Bánh đã thử và thành công

  1. Bạn Trần Thanh Vân. dùng 3 trứng, khuôn 18cm, và không cắt mặt ^^

22308644_1233573653413902_8072927308976351633_n

2. Bánh của bạn Hong Hoa

22489952_1900984236584706_8144003750104891197_n

3. Bạn Uyên, phiên bản trà xanh và dùng 8 trứng gà ta thay vì 6 trứng gà thường

22310199_978609202315159_1471145518731146061_n

4. Bạn TrangNhung Nguyen, thay 5g bột bằng 5g trà xanh

22405612_909511632532184_9134765811741988450_n

Có thể còn nhiều thành phẩm của các bạn khác mà mình chưa thấy, nên nếu có các bạn có thể chia sẻ nhé, cám ơn mọi người rất nhiều ^^

[Không lò] Bánh CREPE SOCOLA NGÀN LỚP CUỘN KEM (Video)

Bánh crepe nghìn lớp có lẽ cũng khá quen thuộc với mọi người rồi. Nhưng thay vì crepe nghìn lớp cổ điển, hôm nay mình muốn chia sẻ một biến tấu khác của nghìn lớp, crepe cuộn nghìn lớp. Thật ra, mình cũng không biết tên gọi chính xác của bánh này là gì, chỉ là tình cờ dạo Instagram thì thấy Crêpes roll au Chocolat (Crêpes roulées au chocolat) đẹp quá, nên cũng tập tành làm theo. Bánh nhìn có vẻ phức tạp, nhưng thật chất lại dễ làm, không cần lò nướng, không nhiều nguyên tắc phức tạp, có thể điều chỉnh theo sở thích, xác suất hỏng cũng cực kì thấp.

Với mình thì khi thấy bánh cuộn này, điểm thú vị chính là phương pháp cuộn bánh khá mới lạ, nên mình nghĩ đây sẽ là một công thức bánh đẹp dễ làm để bạn lưu vào sổ tay mỗi khi muốn trổ tài “nữ công gia chánh”. Cùng thử làm nhé ^^

Nguyên liệu

Bánh crepe:

  • 1 quả trứng
  • 20g đường xay (hoặc đường kính)
  • 440ml sữa
  • 20g bơ (đun chảy)
  • 150g bột mì đa dụng
  • 20g bột ca cao nguyên chất
  • 200ml kem tươi
  • 30g đường

Cách làm

A. Chuẩn bị bánh crepe và kem phủ

  1. Đánh tan trứng cùng với đường. Ở đây mình dùng đường xay vì đường xay tan nhanh hơn, nhưng bạn vẫn có thể dùng đường kính bình thường
  2. Cho sữa và bơ đã đun chảy vào, đánh đều.
  3. Rây bột mì và bột ca cao vào, trộn đều. Sau đó lọc hỗn hợp qua rây để lọc bỏ phần bột bị vón.
  4. Dùng chảo đường kính 18-20cm. Thấm đều dầu (hoặc bơ) quanh chảo bằng giấy bếp, lửa vừa. Đổ khoảng 45-50ml bột vào chảo, nghiêng chảo để bột dàn đều. Rán bánh khoảng 1 phút 30 giây, khi rìa bánh hơi khô thì lật bánh rán thêm 1 phút cho chín mặt còn lại. Bánh đã chín, để bánh trên crack cho nguội. Với công thức này, làm được khoảng 10 bánh crepe
  5. Trong lúc chờ bánh nguội, đánh kem tươi cùng với đường đến bông cứng, giữ trong tủ lạnh đến lúc dùng

B. Ráp bánh:

  1. Chuẩn bị phần cuộn thứ nhất với 5 bánh
    – Đặt một bánh lên mặt phẳng, trét kem lên toàn bộ bề mặt bánh.
    – Đặt bánh thứ 2 sao cho bánh thứ 2 che phủ khoảng ¾ bánh thứ nhất. Trét kem lên bánh toàn bộ bánh thứ 2.
    – Làm tương tự cho đến hết 5 bánh
    – Bắt đầu cuộn từ bánh đầu tiên. Khi cuộn nên cuộn chặt tay để các bánh không rời nhau. Hoàn thành phần cuộn thứ nhất
  2. Tương tự, chuẩn bị bánh và kem ở phần cuộn thứ 2 với 5 bánh còn lại. Sau khi trét kem hết bánh thứ 5, đặt phần cuộn thứ nhất lên trên phần cuộn thứ 2, ở vị trí 1/3 chiều dài phần cuộn tính từ điểm bắt đầu cuộn bánh. Cuộn chặt tay để hoàn thành bánh
  3. Sau khi cuộn, dùng màng thực phẩm bọc kín, và giữ lạnh ít nhất 1h trước khi dùng

C. Thưởng thức:

  1. Lấy bánh ra khỏi tụ lạnh, có thể trang trí thêm bằng kem tươi hoặc rắc thêm cacao trên mặt (nếu dùng cacao thì rắc cacao ngay trước khi ăn để tránh cacao bị bết lại vì ẩm)
  2. Bánh bảo quản lạnh, dùng trong khoảng 3 ngày

Một số lưu ý:

  • Tùy độ hút nước của bột, mà hỗn hợp bột có thể lỏng hay đặc. Nếu lỏng thì không sao, nhưng nếu đặc quá, khi rán sẽ khó dàn bột đều khắp chảo. Do đó, có thể từ từ thêm chút nước để hỗn hợp bột lỏng hơn
  • Nên đổ bánh dày 1 chút. Thường các công thức crepe khác, chảo 18cm sẽ đổ khoảng 35-40ml bột/bánh. Ở đây, mình đổ khoảng 45ml/bánh, khi cuộn bánh sẽ dễ hơn và cũng hạn chế bánh mỏng quá bị đứt trong lúc cuộn.
  • Trước mỗi lần tráng bánh, khuấy đều để tránh bột bị lắng dưới đáy.
  • Chú ý lửa khi rán: không nên rán lửa cao quá, dễ cháy và khô bánh; rán lửa nhỏ quá bánh sẽ dai.
  • Bánh crepe cuộn không khó và cũng không cần nhiều nguyên tắc như các loại bánh nướng, cái thú vị mình muốn chia sẻ là phương pháp cuộn, nên tùy khẩu vị các bạn có thể điều chỉnh để phù hợp sở thích. Ví dụ như:
    + Nếu thích nhiều kem tươi hơn, các bạn có thể gia tăng lượng kem.
    + Có thể sử dụng các công thức bánh crepe khác bạn yêu thích

———————————-

Here is quick english recipe if you need:

Ingredients
– Crepe:
1 egg
20g sugar
440ml milk
20g melted butter
150g all purposed flour
20g cocoa powder
– Filling
200ml whipping cream
30g sugar

Recipe:

  1. Add egg and sugar, mix well. You can use powdered sugar for melting easier
  2. Add milk and melted butter
  3. Sift all purposed flour and cocoa powder, mix. Then put the mixture through a sieve
  4. Put some oil (or butter) in a round pan (18 or 20cm). Put 45-50ml batter for a crepe and bake with medium-low heat. Have about 10 crepes
  5. Make the filling with whipping cream and sugar
  6. Make the first roll with 5 crepes and filling
  7. Prepare the second roll like the first. Put the first roll above, and complete the roll
  8. Cover cake with the plastic wrap and keep in fridge for 1 hour before enjoying

This slideshow requires JavaScript.

Bánh gạo Hàn quốc (Video)

 

Những ai yêu thích ẩm thực Hàn Quốc chắc chắn sẽ không thể bỏ qua món Tteokbokki. Tteokbokki hay bánh gạo cay là món ăn truyền thống của Hàn Quốc. Khi làm món bánh gạo cay, chúng ta thường mua bánh gạo bán sẵn. Tuy nhiên, cách làm phần bột bánh này cũng đơn giản. Hãy cùng với Minta thử ngay cách làm bánh gạo tại nhà nhé.

Nguyên liệu:
– 150g bột gạo
– ½ mcf muối
– 130ml nước
– 1 mcf dầu ăn

Cách làm:
– Trộn bột gạo với muối, nước cho thật kĩ
– Dùng màng bọc thực phẩm phủ bột lại (dùng tăm đâm vài lỗ nhỏ trên mặt để hơi nước có thể thoát ra), bỏ bột vào lò vi sóng khoảng 2 phút (chế độ lửa thấp)
– Lấy ra trộn đều bột, tiếp tục bọc lại và bỏ vào lò vi sóng thêm 2 phút nữa (chế độ lửa thấp)
– Cho dầu ăn lên bánh, dùng chày đập bánh trong 4-5 phút, khi bột bánh nguội, tiếp tục nhào bằng tay cho đến khi khối bột mịn và dai
– Chia bột thành các phần nhỏ, lăn cho bột thành các cây nhỏ dài. Lăn bột thành những thanh tròn dài, cắt bột thành những miếng dài hoặc những hình tùy ý.
– Bánh gạo đã hoàn thành, có thể dùng ngay trực tiếp chấm với đường, mật ong hoặc chế biến thêm gia vị sốt tương ớt để làm món tteokbokki

Lưu ý:
– Bánh sau khi lấy ra từ lò vi sóng sẽ rất dính và khó đập, nên phết một ít dầu ăn lên cả bánh lẫn chày (hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc quanh chày) sẽ dễ dàng cho việc đập bánh hơn
– Bánh được đập càng lâu sẽ càng dẻo dai và mịn màng. Có thể dùng tay nhồi, nhưng bánh lúc mới lấy ra từ lò vi sóng sẽ rất nóng, khó có thể nhồi bằng tay được. Dùng chày đập lúc bánh còn nóng sẽ tránh cho bánh không bị khô khi tiếp xúc với không khí bên ngoài
– Bánh gạo có thể chế biến thành nhiều món ăn vặt tùy theo ý thích. Vớt sốt tương ớt và một ít bánh cá, có thể dễ dàng hoàn thành món tteokbokki (bánh gạo cay). Hoặc đơn giản nhất như trong clip, mình làm sốt nước tương ăn cùng với bánh gạo

Mỳ Ý SỐT BÒ BẰM đơn giản (Video)

Bạn có nhớ cảnh kiss scene mỳ ý đáng yêu trong bộ phim hoạt hình kinh điển Lady and The Tramp (Tiểu thư và Chàng lang thang) của Walt Disney? ^^. Có thể nói các bộ phim của Walt Disney không chỉ dễ thương bằng những nét vẽ, lãng mạn của các công chuyện cổ tích, mà còn hấp dẫn bởi … thức ăn nữa. Nếu dạo một vòng quanh Google, bạn sẽ thấy các món ăn lấy cảm hứng từ các bộ phim của Walt Disney rất nhiều. Mình cũng có mong ước có thể thử sức với các món ăn có cảm hứng từ các bộ phim nữa, nhưng vẫn còn trong quá trình … cần học hỏi, nên lần này thử sức với món ăn được xếp “dễ làm và phổ biến” nhất – Mỳ ý (Spaghetti) sốt bò băm

lady-and-the-tramp-c2a9-walt-disney
Nguồn: internet

Theo những thông tin mình đọc được, Spaghetti là một loại mỳ Pasta được làm từ bột mỳ semolina và nước, có dạng sợi tròn nhỏ. Không phải cứ là mỳ Ý đều được gọi là Spaghetti. Tùy thuộc vào hình dáng,  kích thước, sốt ăn kèm và cách chế biến mà Pasta có từng tên gọi riêng để phân biệt. Mỳ spaghetti có thể hiểu nôm na là món mì thường được ăn kèm với sốt cà chua với sợi mì to, dài, có thể thêm gia vị đặc trưng là oregano, thịt, rau và dầu olive. Có vài thông tin khảo sát cho biết Spaghetti là món ăn phổ biến nhất trên thế giới, trên cả thịt, gạo và bánh pizza nữa. Chính vì phổ biến và dễ làm, nên có rất nhiều công thức theo khẩu vị và vùng miền. Nhưng cơ bản sẽ luôn có Mỳ ý, cà chua và thịt bò, đủ tinh bột, ray củ và chất đạm ^^. Dưới đây, mình chia sẻ công thức mình vẫn hay thường làm cho nhà ăn, hi vọng các bạn sẽ thích

🍝Nguyên liệu (Khẩu phần cho 3 người):
– 200g mỳ ý
– 200 gam thịt bò xay
– 3 trái cà chua
– 2 củ hành tây
– 4 muỗng canh tương cà
– Bơ, tỏi băm
– Gia vị: Muối, tiêu, đường, hạt nêm

🍝Cách làm:
1. Cho mỳ vào nước đun sôi, cho thêm 1mcf muối, 1mcf dầu ăn để giúp cọng mỳ không bị dính lại với nhau. Luộc mỳ trong 10ph-15ph ở lửa vừa cho đến khi các sợi mỳ mềm. Dùng đũa đảo đề để các cọng mỳ tơi và không dính vào nhau
2. Khi mỳ chín, vớt mì ra đĩa, cho thêm 1 ít dầu trộn đều để cọng mỳ không bị dính vào nhau khi để ráo nước (Lưu ý không xả nước lạnh sau khi luộc mì vì sẽ làm giảm hương vị nhé)
3. Chế biến thịt bò xay: Bắt chảo lên bếp, cho bơ, 1 ít tỏi băm phi cho thơm, sau đó cho thịt bò vào chảo xào để thịt săn lại, cho thêm gia vị cho vừa ăn. Sau khi thịt chín đều, cho vào tô để riêng
4. Chế biến sốt cà chua: Bắt chảo lên bếp cho bơ, 1 ít tỏi băm phi cho thơm, sau đó cho hành tây đã cắt hột lựu vào đảo đều đến khi thấy hành tây trong là được. Cho cà chua băm nhuyễn vào xào chung và đảo đều tay, cho thêm gia vị, tương cà vào để món nước sốt đậm đà và có độ sánh hơn.
5. Đảo đều tay đến khi hỗn hợp nước sốt hơi sệt lại, cho phần thịt bò bằm đã xào chín vào hỗn hợp trên và trộn đều để tạo thành món nước sốt mì Ý
6. Cho mỳ ra đĩa, sau đó chan nước sốt cà chua thịt bò bằm lên trên. Món mỳ Ý sốt thịt bò bằm đã hoàn thành, trang trí chút ngò rí và hoặc lá húng, và cùng thưởng thức thôi.

Một số lưu ý:

  • Khi luộc mỳ nên dùng nồi to và cho nhiều nước một chút, vì sau đó mỳ sẽ nở ra rất nhiều. Thời gian luộc mỳ đều có ghi rõ trong bao bì thường thì phải luộc trên 10 phút. Để kiểm tra sợi mỳ, vớt thử một sợi lên cắn thử, sợi mì đạt khi không quá mềm nhũn hoặc không bị cứng. Hoặc có một cách thử khá vui là thử ném một sợi mỳ lên mặt kính, nếu sợi mỳ dính lên kính là đã chín ^^
  • Có thể dùng thêm tương ớt hoặc rắc chút phô mai bào lên trên đĩa mì, như vậy món mỳ Ý sẽ trở nên thơm và béo hơn
  • Có thể thay bơ bằng dầu, thay thịt bò bằng thịt heo, nhưng thay thế sẽ làm giảm hương vị món ăn
  • Nếu có lá oregano, bạn có thể dùng lá oregano để đúng hương vị mỳ ý nhé

Chúc bạn thành công với Mỳ ý sốt bò bằm nhé ^^

—————————

Here is english recipe if you need, hope you’ll like it:

🍝Ingredients (Serving for 3 persons):
– 200g of spaghetti noodles
– 200g minced beef
– 3 tomatoes
– 2 small onions
– 4tbsp ketchup
– Butter, minced garlic
– Spices: salt, pepper, sugar, seasoning

🍝Instruction:
1. Boil spaghetti noodles with 1tsp salt, 1tsp oil in 10-15mins at medium heat. Use chopsticks to stir noodles to make sure they are not sticky.
2. When the noodles are fine, remove the noodles on the plate, mix with oil to make sure the noodles do not stick together
3. Making minced beef: Add butter, minced garlic, minced beef into pan, taste with spices.
4. Making tomato sauce: Add butter, minced garlic, minced onion, minced tomato, ketchup, then taste with spices
5. Stir until all the sauce mixture is slightly thick, add the minced beef into the tomato sauce and mix well
6. Put the noodles on the plate, then the tomato beef sauce is ground up. Spaghetti with minced beef sauce is done, enjoy it.

This slideshow requires JavaScript.

Bài viết có tham khảo thông tin từ sunflowergiadinh

Bánh bông lan phô mai Nhật Bản (Video)

Nếu được chọn bánh nào là “nữ hoàng của các bánh bông lan”, mình sẽ chọn Japanese cheesecake – Bánh bông lan phô mai Nhật Bản. Thứ nhất là vì nguyên liệu được xếp vào hàng “xa xỉ”, thứ hai là quy trình cầu kì tỉ mỉ, thứ ba là yêu cầu hình thức cao, thứ tư là … mất thời gian ^^, nói chung theo cách mọi người thường bảo là “khó chiều”. Nhưng bù lại về hương vị, đó là sự hoàn hảo: mặt bánh căng vàng đẹp mắt, kết cấu mềm mịn như bông, vị béo béo không quá ngọt và tan trong miệng.

Thật ra nếu nói về tỉ lệ thất bại, với riêng mình thì Japanese cheesecake dễ thành công hơn các dòng bánh bông lan mình đã làm qua, ít ra là bánh ra lúc nào cũng “chín” chứ không lúc chín lúc sống như bông lan thường, cái quan trọng là làm sao bánh đẹp về hình thức như: mặt bánh vàng đều, không bị nứt, không có nếp nhăn, không xẹp, nở phồng đẹp giống như xem trên tivi (yêu cầu cao quá ^^). Thế nên mình cũng tìm và thử nhiều công thức cũng như kĩ thuật khác nhau, cuối cùng tìm thấy “bến đỗ” tại I eat I shoot I post. Phải nói công thức và chia sẻ của I eat I shoot I post là vô cùng chi tiết và khoa học, với một “baker” không chuyên như mình, đây là công thức cheesecake mình cảm thấy hoàn hảo nhất đến thời điểm này. Đồng thời trong quá trình mình thực hành, mình cũng tham khảo những kinh nghiệm khá hay về dòng bánh này từ chị Craftpassion và chị Jeannietay. Vậy nên, với bài viết này, mình cũng muốn chia sẻ lại cho những bạn cũng đang trên đường tìm “vẻ đẹp hoàn hảo” của Japanese cheesecake hoặc những bạn chưa thử làm bánh này, hi vọng sẽ có ích cho mọi người.

Bài viết sẽ hơi dài, mọi người đọc kĩ trước khi làm để phần nào giúp giảm bớt tỉ lệ thất bại nhé ^^

Nguyên liệu (khuôn tròn 15-16cm)

125g cream cheese (ở đây mình dùng mascarpone thay thế)
3 lòng đỏ trứng (loại 60g/quả trứng)
35g đường kính trắng
30g bơ (nhiệt độ phòng)
50g sữa tươi không đường
½ tbsp nước chanh (không bắt buộc)
1 tsp vỏ chanh bào nhỏ (không bắt buộc)
30g bột mì số 8 (cake flour)
10g bột ngô/bột bắp
1/8 tsp muối
1 tsp vani

3 lòng trắng trứng
1/8 tsp cream of tartar
35g đường kính trắng

Cách làm

  1. Chuẩn bị một tô lớn đặt trong một khay nước ấm nóng, cho cream cheese vào tô, dùng phới lồng đánh đến khi cream cheese mềm mịn
  2. Cho lòng đỏ vào, trộn đều
  3. Cho 35g đường vào, trộn đều đến khi đường tan hết (không đánh nổi bọt)
  4. Cho hỗn hợp sữa và bơ vi sóng khoảng 30 giây – 1 phút cho bơ tan và hỗn hợp vừa ấm. Cho vào (3), trộn đều
  5. Cho muối, nước chanh, vỏ chanh vào trộn đều. Mục đích bước này giúp tạo hương vị cho bánh
  6. Lấy tô trộn ra khỏi khay nước ấm, rây bột số 8 và bột ngô vào, trộn đều
  7. Đánh lòng trắng tốc độ thấp đến khi nổi bong bóng lớn, cho muối và cream of tartar vào. Nâng tốc độ vừa-cao đến khi nổi bong bóng li ti thì cho từ từ 35g đường vào (có thể chia đường làm 2 hoặc 3 phần). Đánh đến khi chóp mềm (như trong video)
  8. Cho 1/3 lòng trắng đánh bông đầu tiên vào hỗn hợp lòng đỏ, dùng phới lòng trộn tự do. Lần lượt cho 2/3 lòng trắng còn lại vào, trộn phương pháp fold dứt khoát và nhanh tay. Hỗn hợp sau khi trộn sẽ khá lỏng, không đặc xốp như bánh bông lan thông thường
  9. Lót giấy chống dính đáy khuôn, đổ hỗn hợp bột vào khuôn
  10. Lò làm nóng ở 200oC trước, cho bánh vào nướng trong 18 phút, sau đó giảm xuống 135oC nướng thêm 40 phút, rãnh cuối.
  11. Sau 48 phút, tắt lò và để bánh trong lò thêm 20 phút, cửa lò vẫn đóng kín
  12. Sau 68 phút, nhanh tay mở lò và bỏ khay nước, để bánh lại trong lò thêm 10-15 phút để bánh nguội, để cửa lò hé mở nhỏ khoảng 10mm. Bước này mình dùng một khăn tay nhỏ để chặn cửa lò (như video)
  13. Bánh khi chín sẽ mềm và tự róc khỏi thành khuôn. Dùng dao róc nhẹ xung quanh thành bánh và lấy bánh ra khỏi khuôn. Bánh khi ấm sẽ rất mềm mịn. Để tủ lạnh vài giờ trước khi dùng vì bánh ngon khi dùng lạnh.

Một vài lưu ý

  • Cân đo nguyên liệu theo công thức. Japanese cheesecake yêu cầu khá tỉ mỉ và bản thân mình khi làm bánh cũng sợ thất bại, nên tốt nhất nên làm đúng theo công thức để có thành phẩm bánh mềm mịn và ngon nhất.
  • Cream cheese trong công thức gốc là cream cheese Philadelphia, đây cũng là cream cheese phổ biến nhất trong các công thức bánh bông lan phô mai. Theo I eat I shoot I post, Philadelphia là creamcheese phù hợp với công thức này nhất, vì sẽ cho ra bánh mềm ngon nhất và bánh không “split” (chia lớp) như khi dùng các creamcheese khác. Chỗ mình không tìm được Philadelphia, nên mình dùng mascarapone. Mình có thử làm qua cream cheese của Anchor, bánh cũng rất ngon, có vị chua nhẹ nhưng bản thân mình vẫn thích vị dịu nhẹ của mascarapone hơn
  • Nên dùng đường kính, không dùng đường bột vì trong đường bột có chứa bột ngô
  • Nếu không có bột số 8, có thể dùng bột mì đa dụng, nhưng kết cấu thành phẩm bánh sẽ không mềm và ngon như khi dùng bột số 8
  • Đánh lòng trắng mức bông mềm là một bước rất quan trọng. Nếu đánh không tới bánh sẽ không nở, đánh bông quá mức bánh sẽ dễ nứt mặt, nên mọi người chú ý bước này nhé
  • Nhiệt độ lò là bước quan trọng thứ hai. Luôn làm nóng lò trước 10-15 phút. Nhiệt độ nướng và thời gian tùy thuộc vào kinh nghiệm hiểu lò của mỗi người. Tốt nhất nên có một nhiệt kế riêng cho lò để chủ động hơn trong việc điều chỉnh nhiệt.
    Trong công thức gốc cũng chia sẻ: lò đã làm nóng trước 200oC, khi đưa bánh (có khay nước) vào thì nhiệt độ trong lò sẽ giảm xuống 180oC và giữ nguyên đó trong khoảng 18 phút. Do đó cần giảm nhiệt xuống trước khi nhiệt trong lò bắt đầu tăng trở lại.
  • Nên dùng khuôn sáng màu, không nên dùng khuôn đen vì khuôn đen bắt nhiệt nhanh và làm thành bánh chín nhanh hơn bên trong
  • Nên dùng khuôn đế liền. Nếu dùng khuôn đế rời, nhớ bọc giấy bạc kín xung quanh đáy khuôn tránh cho nước thấm vào trong bánh
  • Bánh bông lan phô mai khi làm nên kiên nhẫn. Khi hết bước 10, đừng nôn nóng lấy bánh ra hay mở cửa lò, nên đọc kĩ và làm theo trình tự các bước.
  • Bánh khi trong lò sẽ từ từ nở cao (nhưng sẽ không nứt mặt), bánh thành phẩm cuối cùng sẽ co lại tự róc khỏi thành khuôn (co chứ không xẹp). Bánh đạt yêu cầu khi:
    + Không nở quá nhanh và sau đó xẹp trong lò
    + Thành phẩm bánh không thắt eo, lõm đáy
    + Mặt bánh vàng đều, không có nếp nhăn hay nứt mặt
  • Bánh nên dùng lạnh, dùng trong thời gian sớm nhất có thể và không nên để quá 3 ngày

Chia sẻ của mình chỉ có vậy thôi, nếu có kinh nghiệm gì hay mọi người cũng chia sẻ cho mình nhé. Hi vọng cả nhà sẽ có những chiếc Japanese cheesecake vừa đẹp vừa ngon nhé ❤

 

This slideshow requires JavaScript.

Sữa chua uống trái cây (Video)

Đang tiết trời mùa hè, thời tiết khá oi bức, làm một ly sữa chua thì quá tuyệt với. Sẽ như thế nào nếu kết hợp sữa chua với trái cây nhỉ. Làm sữa chua thì đơn giản rồi (mình cũng có làm 1 clip hướng dẫn cách làm sữa chua. Để kết hợp sữa chua với trái cây thì hơi phức tạp một chút. Một phần vì nếu cho vào sữa chua ngay từ đầu, mình sợ sẽ ảnh hưởng đến quá trình lên men và sữa chua sẽ bị hư ngay. Một phần nữa là nếu mình cho sau khi lên men sữa chua thì sẽ không để lâu ăn được do trái cây sẽ ra nước. Thế là … dù hơi mất công chút nhưng mình phải sơ chế qua các loại trái cây này. Với những bạn không thích ăn chỉ thích uống giống mình thì sữa chua uống trái cây sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời. Mình chia sẻ cách làm ở đây nhé ^^

Nguyên liệu
Phần sữa chua
– 200g sữa đặc
– 200ml nước nóng
– 440ml sữa tươi không đường
– 100g sữa chua (tự làm hoặc mua sẵn)
Phần mứt trái cây
– 1 chén xoài, 20g đường
– 1 chén kiwi, 30g đường
– 1 chén dưa hấu, 10g đường

Cách làm
1. Hòa tan sữa đặc cùng nước nóng, khuấy đến khi sữa đặc tan hoàn toàn, sau đó cho sữa tươi vào, tiếp tục khuấy đều
2. Cho vào nồi, chế nước ngập ít nhất ½ hủ, ủ ấm trong 4 giờ.
3. Sên trái cây mỗi loại với đường cho khô lại nước đạt hỗn hợp sền sệt
4. Cho mứt trái cây đã sên vào ly
5. Sau 4 giờ, lấy sữa chua ra khỏi nồi, đổ vào ly có mứt trái cây
6. Để tủ lạnh ít nhất 4 tiếng trước khi dùng

Lưu ý:
– Có thể thay đổi các loại trái cây mà bạn yêu thích, xoài, chanh dây, kiwi, dâu, thơm, dưa hấu … Điều chỉnh lượng đường khi sên trái cây (tùy vào độ ngọt của trái cây có sẵn)
– Vì đây là loại sữa chua uống nên mình chỉ ủ 4 tiếng thôi để còn sữa hơi lỏng và chưa chua quá. Nếu thích ăn dạng đặc hơn và chua hơn thì có thể ủ đến 8 tiếng
– Nên dùng loại sữa đặc cao cấp (Dutch lady lon màu vàng – sữa đặc nguyên kem), làm sữa chua sẽ ít bị thất bại hơn